Ý nghĩa câu nói thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa

Chuyên gia ơi,
Giải thích câu nói ” thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa ” có nhiều người cho rằng đó là hàm chỉ về mức độ khó của quá trình tu tập. Hẳn rằng đây là câu nói đề cao tu tại gia: Tu tại gia là quan trọng nhất, vượt trên hai loại còn lại, nghĩa rằng khó nhất là tu tại gia, khó nhì tu chợ và dễ hơn khi tu ở chùa!
Nhưng có người lại cho rằng thâm ý của câu tục ngữ này là quan điểm về thứ lớp phải trải qua trong tiến trình tu tập. Muốn tu được ở chùa, người ta phải trải qua quá trình tu tập tốt ở tại gia, kế đến tu ở chợ, sau cùng mới ra tu ở chùa. Nếu theo cách hiểu này, môi trường “chùa” lại được đánh giá cao nhất.
Cũng có cách hiểu cho rằng, câu nói này hàm chỉ sự khinh – trọng của người xưa về các môi trường tu tập, từ đó đánh giá cao hay thấp những con người biết vượt lên hoàn cảnh để tu hành. Cha ông ta áp dụng câu nói này phần nhiều để động viên những Phật tử tại gia trong quá trình tu tập, giúp họ vững chí bền gan trong việc lưu giữ và truyền bá giáo pháp.
Thiển ý của tôi thì cho rằng, tu tại gia là tự tu để hướng lòng tới Phật, tự nghiệm ra những điều thiếu sót ở bản thân và ngộ đạo, thấu hiểu Phật giáo theo cách của mình, thấm nhuần tư tưởng Phật. Sau đó, giao lưu học hỏi, tiếp xúc xã hội để mở mang tầm hiểu biết, cọ sát thực tiễn, từ đó mà rút kinh nghiệm cho bản thân – chính là “tu tại chợ”.
Cuối cùng là “tu chùa”, tìm đến nơi thanh tịnh, đến những vị chân tu học thuyết uyên bác để học hỏi. Vì nơi đây có người chỉ điểm, hướng dẫn để ngày càng phát triển hơn.
Tuy vậy tôi vẫn rất băn khoăn vì chẳng phải người Việt Nam chúng ta vẫn có câu nói: “Phật tại tâm, tu đâu cũng được”, hàm ý rằng ngoài chính tâm mình thì tìm đâu cũng không thấy Phật ư? Vậy chả đúng rằng, bản thân mình phải khổ luyện và tự trải qua nhiều quá trình tu tập, tự giác ngộ là chính ư? Liệu hai câu nói này có mâu thuẫn với nhau không?
Mong chuyên gia chỉ giáo và chia sẻ cùng người có tấm lòng từ bi hướng về đạo Phật như tôi! Kính cẩn chờ mong hồi đáp.
Độc giả giấu tên
Chuyên gia tư vấn Hoàng Dương Bình:
Bạn thân mến,
Tu là việc sửa mình để làm sao thành thật với bản thân hơn, nhận ra các sai lầm trong quá khứ và quyết tâm sửa chữa. Càng nhận ra vấn đề đến đâu thì thân và tâm lại càng cân bằng, giúp nâng cao khả năng nhận biết bản chất sự vật sự việc. Tu thân giúp chuyển hóa các nỗi khổ đau đến với mình, gia đình, dòng tộc được theo hướng tốt lành.
Bạn hỏi tu “tại gia, tại chợ, tại chùa” có mâu thuẫn với nhận thức “tu ở đâu cũng được, Phật tại tâm”? Chuyên gia khẳng định là không mâu thuẫn gì, 2 câu đều đúng cả.
Bình thường không phải ai cũng đã có tâm, mở tâm, trên hành trình đi tìm vị Phật tại tâm ấy thì con người cần phải sống, trải nghiệm bởi nhiều môi trường, cần va chạm để nhận biết, đặc biệt là cần sự hỗ trợ của các các vị chân tu, các bậc thầy mà ta nhìn thấy hoặc không nhìn thấy.
Khi liên hệ được với tâm, có PHẬT TẠI TÂM rồi thì vẫn tu tiếp, hoàn thiện tiếp để đạt được các phẩm chất cao hơn. Lúc này tự biết khi nào cần tu tại đâu và không cần tu tại đâu. Còn bây giờ, để giúp bạn có cảm nhận rõ hơn, mở hơn và qua đó ngộ ra sâu sắc hơn những băn khoăn của mình, chuyên gia xin chia sẻ mấy ý:

Xem thêm:   Cặp đôi Kỷ Tỵ và Nhâm Thân có hợp nhau không? Hay sẽ gặp rào cản “tứ hành xung”?

Cần có môi trường để tu

Trái đất là một sinh linh, một cơ thể sống và là một ngôi nhà chung. Đây là môi trường hoàn thiện tâm thức vô cùng tuyệt diệu, vô cùng độc đáo đối với của muôn vật muôn loài.
Chúng ta được làm cư dân trái đất, được hoàn thiện tâm thức (tu) dưới dạng con người, vậy thì tu làm sao để ngay lúc này đây ta có cuộc sống an vui, hòa bình, hài hòa với các cư dân trái đất khác sống ở các dạng sống khác.
Các phép tu, trong đó có phép tu nhà Phật đều cung cấp khối lượng kiến thức khổng lồ để con người gắn kết với tự nhiên. Các thiền sư khi xem xét quá trình năng lượng nhận thấy trong mọi thời kỳ, trái đất tốt lên cùng người nhưng cũng xấu đi cùng người, nên con người phải có ý thức sửa mình để ngôi nhà chung trở nên hài hòa.

thứ nhất tu tại gia
Trong ngôi nhà chung ấy lại có hàng tỷ các môi trường tu nhỏ dành cho con người. Ví dụ như bạn nói, người Việt mình có  nhà, chợ, chùa, đây là những môi trường tu rất gần gũi. Tất cả tương tác nhân quả tại đây tạo ra những đúc rút, trải nghiệm để khi đủ năng lượng thì vượt lên, thành Người, thành Phật sống dưới dạng con người.
Nếu nhìn từ tâm thì cũng phân loại thứ bậc, cấp độ tu nhưng phân loại để thấy các đặc tính mà vận dụng các cách tu cho đúng lúc đúng thời điểm chứ không phải để so sánh cao thấp hơn thua. Phân loại cấp độ tu tại gia, tại chợ, tại chùa và tại tâm là để sau đó người tu nhận ra tất cả có mặt trong nhau.
Còn nhìn từ trí, đứng ở một hoàn cảnh, thời điểm cụ thể thì sẽ thấy rằng đúng là phải tốt ở nhà thì mới tốt ở chợ được, tốt ở chợ thì với đủ nội lực để học kiến thức bậc cao ở chùa.
Ở góc nhìn khác ta cũng thấy nếu tu ở chùa thì sẽ có không gian thanh tịnh, năng lượng trong lành dễ tĩnh tâm. Còn tu ở nhà thì ồn ào hơn, phát sinh công việc nhiều, có nhiều mối quan hệ chi phối tác động, khó tĩnh tâm. Tu ở chợ thì ồn ào tiếp xúc với đủ loại người dễ bộc phát những hành vi mà người tu không mong muốn.
Tóm lại, phân loại môi trường tu, cấp độ tu là để hiểu và vận dụng hài hòa. Môi trường tu nào cũng được đấng tạo hóa thiết kế hoàn hảo, môi trường tu nào cũng có cái dễ và cái khó.
Chưa kể, dù tu ở đâu thì người tu cũng được (phải) đối diện nghịch cảnh, nghịch lý, thậm chí là nghịch cảnh rất khắc nghiệt. Điều này giúp người tu thử thách – tôi luyện – ngộ ra – trưởng thành.

Xem thêm:   7 vật trừ tà tránh xa ma quỷ và đen đủi nên mang theo bên cạnh mình

Người tu

Ta vừa nhắc đến môi trường tu cụ thể. Bây giờ nói đến người tu. Người có đức tu đâu cũng thành. Những người này tâm mở, họ cũng ít nhiều nghe bằng tâm, nhìn bằng tâm, nói bằng tâm.
Họ tu chính là họ sống, biểu hiện là biết sống chân thật, khiêm nhường, tôn trọng người khác, kính trên, nhường dưới, lo lắng hy sinh cho sự nghiệp chung, mình vì mọi người. Người như thế thì tu ở nhà, ở chợ hay ở chùa đều đạt thành tựu.
Người không có đức, không tốt thì tu ở tại nhà, tại chợ, tại chùa đều rất khó khăn. Là vì tâm trí rất động, các dục vọng ham hố điều khiển thân – ý. Họ sẽ tiếp tục mắc sai lầm. Ví dụ như ở nhà thì bất hiếu, bạo hành, đi chợ thì mua bán không trung thực, chửi thề chửi tục, mua rẻ bán đắt, gian lận, quỵt tiền.
Người không có đức cần rất nhiều thời gian trải nghiệm và cần hoàn thành các nhân quả. Khi ân oán đủ rồi, khổ đau rên xiết đủ rồi thì tỉnh ra và thay đổi. Nếu thay đổi được thì môi trường tu cũng thay đổi tương ứng.
Cũng theo các thiền sư thì có những người đến với trái đất này sống cả đời, nhiều kiếp mà chẳng học được điều gì, họ bảo thủ, ngạo mạn, hợm hĩnh, phá hoại, làm dại và  tiến hóa lùi, người như thế có đến chùa tu cũng vô ích.

Xem thêm:   Có mặt lúc khâm liệm người thân hợp tuổi, liệu có bị bắt đi không?

Hiểu cho đúng câu nói “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”

Chuyên gia nhận thấy tu là quá trình học làm NGƯỜI, mình sống trong thế giới hiện đại với những chất liệu tu thân phong phú. Ta hãy cứ sống tốt ở nhà với người thân và những người xung quanh.
Người có tâm thì tu đâu cũng được, tu tại gia thì có người thân cận kề dạy bảo, giúp đỡ hoặc làm tấm gương phản chiếu xấu tốt để mình soi vào mà hoàn thiện. Khi đã sống chân thực, thẳng thắn rồi thì ra chợ, ra chỗ đông để đa dạng cách tu, dần dần biết cánh đối nhân xử thế, biết vì cộng đồng, trở thành người tốt ở đời thường. Nhờ thế nội lực tăng, duyên mới khởi, lúc này vào chùa tĩnh tâm, ngộ sâu thì sẽ có kết quả.

thứ nhất tu tại gia
Càng có kết quả thì lại càng ngộ sâu, khi ấy tu “tại gia, tại chợ, tại chùa” hay ở đâu đi nữa thì trong tâm ta cũng đã có một ngôi đền thiêng trong chính lòng mình, ta có cái nhìn toàn bộ và sẽ không thấy phân biệt, mâu thuẫn gì nữa, tất cả nhất như có mặt trong nhau, không thường xuyên mơ thấy ma quỷ.

Lời kết cho câu tục ngữ “ thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa ”

Tóm lại, với những lý giải như trên, chúng ta có thể hiểu câu tục ngữ “ thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa ” ở ba góc độ khác nhau: thứ nhất là mức độ khó của quá trình tiến tu; thứ hai là sự khinh – trọng đối với môi trường tu tập; và cuối cùng cũng có thể là thứ bậc của qúa trình tu tập.
Dù hiểu ở nghĩa nào thì kết luận cuối cùng chúng ta vẫn nhìn thấy có một điểm chung là: giáo lý của đạo Phật luôn luôn phù hợp với căn cơ, trình độ của mọi kiểu người trong mọi môi trường và hoàn cảnh xã hội.

Thân mến.
Theo Hoàng Dương Bình
(Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *