Kiêng đi thăm phụ nữ mới sinh con ngày mồng 1, lo nhầm còn hơn bỏ sót

Việc thăm phụ nữ mới sinh

Việc thăm phụ nữ mới sinh
Với người bình thường, đa phần mọi người không thích đi thăm phụ nữ mới sinh chưa được đầy tháng, đặc biệt là vào đầu tháng âm lịch, vì việc này sẽ đem lại vận rủi trong cả tháng
Chuyên gia ơi, từ bé tôi đã được dạy rằng, một trong những điều kiêng kị ngày mùng 1 được lưu truyền trong dân gian là thăm phụ nữ mới sinh con. Bởi các cụ xưa quan niệm, gái để là “giông”, “sinh dữ tử lành”.
Đặc biệt, một số người rất “xem trọng” việc kiêng đi thăm phụ nữ mới sinh ngày mùng 1 đầu tháng vì cho rằng việc làm này sẽ khiến vận may trong công việc làm ăn, buôn bán biến mất.
Nếu đi thăm gái đẻ, kể cả khi đó là người thân quen thì cũng khiến cho bản thân gặp nhiều vận hạn, đi đường nhiều bất trắc, làm ăn thất bát. Đi thăm bà đẻ khi con chưa được đầy tháng là điều không nên, đặc biệt kiêng kị vào ngày mùng 1 vì tin rằng các em bé (bé của bà đẻ và em bé trong bụng của bà bầu) sẽ ganh nhau, khó nuôi.
Với người bình thường, đa phần mọi người không thích đi thăm phụ nữ mới sinh chưa được đầy tháng, đặc biệt là vào đầu tháng âm lịch, vì việc này sẽ đem lại vận rủi trong cả tháng.
Nhưng qua thực tế làm y sĩ ở khoa sản một bệnh viện lớn, tôi đã nhận ra rằng: Trên thực tế việc kiêng đi thăm gái đẻ trong tháng đầu sau khi lâm bồn hoàn toàn không có gì đáng sợ và không đáng để mọi người phải mê tín như vậy.
Tôi chỉ thấy rằng, sau khi sinh cả người mẹ và em bé cần có thời gian để nghỉ ngơi, tránh bị làm phiền bởi những người đến thăm. Người ngoài đến có thể mang theo nhiều bụi bặm và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Tuy vậy, mẹ chồng tôi thì không đồng ý, bà luôn đặt nặng vấn đề tâm linh truyền thống này. Em họ con nhà bác ruột tôi mới sinh cháu, tôi và chồng cùng gia đình bên nội dịp đó lại đi công tác nên không thăm em được trong bệnh viện.
Đến nay khi tôi về Đà Nẵng làm việc bình thường sau kì nghỉ thì em cũng đã xuất viện về nhà. Tôi rất muốn đường đường chính chính cùng chồng đến thăm em nhưng ông xã tôi bị mẹ “bỏ bùa mê thuốc lú” nên đâm ra sợ hãi.
Tôi nên làm thế nào để thuyết phục họ đây thưa chuyên gia?
Hoàng Thiện Minh (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ)

Chuyên gia tư vấn Hoàng Dương Bình nói đến vấn đề đi thăm bà đẻ đầu tháng

Bạn thân mến!
* Từ việc mạn đàm một câu chuyện ngoài lề…
Có câu chuyện ngoài lề thế này, từ bé mỗi lần về ngoại, tôi thấy mọi người hay làm tương và đặt ở vườn, khi tương sắp thành thì tỏa mùi thơm phức ai đến cũng khen. Các bà các mẹ đều nhắc nhau là ai đang đến “ngày” chu kỳ thì chỉ chơi ở sân và nhà chứ không ra vườn, vì lại gần hũ tương sẽ hỏng.
Khi ấy mọi người coi chuyện đó là tự nhiên và bình thường chứ không ai đặt vấn đề đúng sai. Mê tín hay khoa học, chả ai bận tâm chuyện đó. Tôi cũng không lưu tâm lắm, nhưng sau đó bạn tôi, một cây viết về ẩm thực và cũng là một chuyên gia thiền định về ẩm thực chia sẻ rằng:
Trong một lần gần đây, khi cô chuẩn bị đến một ngôi chùa, nơi có một khu vực chuyên làm tương để chụp ảnh tư liệu. Trước khi đi thì được nhắc là hãy chọn ngày “sạch sẽ ” vì sư cô sẽ hỏi và “đến ngày”, sư sẽ không cho vào khu vực có đặt hũ tương.
Đã có những lần tương hỏng vì khách chùa thân quen nhiều khi vô í, ngày “đèn đỏ” đi vào ngó nghiêng, bình phẩm, y như rằng mẻ đó tương hỏng. “Mọi người đều cần có ý thức chung, tương hỏng thì nhà chùa lấy gì mà ăn!”, sư nói thế.
Là người thiền quán và nghiên cứu về Âm Dương trong ẩm thực, nên bạn tôi dễ dàng chấp nhận rằng các rung động năng lượng của người nữ “đến ngày” tác động phá vỡ quá trình “lên tương”, hoặc có được thì cũng không tạo thành một mẻ tương thơm ngon, bổ dưỡng.
Sư nói rằng đây chỉ là sự không tương thích về năng lượng chứ không phải vấn đề gì to tát, huyền bí. Do không giải thích được thành ra mê tín, đã mê tín hoặc không tin thì mâu thuẫn nảy sinh, thậm chí buông lời ác ý với nhau. Xưa ở quê sư, có người bị réo tên cả tháng chỉ vì lên chùa “thăm tương” vào ngày đến tháng là vì vậy.
*… liên hệ tới việc đi thăm phụ nữ mới sinh ngày đầu tháng
Liên hệ chuyện tương hỏng, tôi có đề cập chuyện nên hay không nên đến thăm các bà mẹ mới sinh trong thời gian chưa đầy tháng, nhất là ngày mùng 1. Tôi muốn lắng nghe ý kiến từ phái nữ và cũng là người thiền quán nên tiếp tục hỏi sâu người bạn ấy.
Bạn tôi xác nhận rằng cũng vậy thôi, trong ba mươi ngày đầu mới hạ sinh, rất cần một môi trường tĩnh và sạch cho mẹ và bé nên ta cần có ý thức khi muốn đến thăm. Cơ thể con người là cả một vũ trụ thu nhỏ và hoà nhịp với các chuyển động tự nhiên, chu kỳ tâm sinh lý, hay tính khí của người nữ cũng thế, liên hệ nhịp nhàng với ngày trăng tròn trăng khuyết, ngày thủy triều dâng hay rút…
Và khi người nữ mới sinh con thì “vũ trụ” ấy vừa tĩnh, tỏa ra rung động yêu thương phúc lạc, nhưng cũng vừa động dễ sóng xô, cuồng nộ. Khi mới sinh, người mẹ có sự thay đổi đột ngột về ý thức cũng như năng lượng nên rất mệt mỏi.
Sự mất cân bằng ấy đòi hỏi có thời gian để điều chỉnh nên rất cần tĩnh. Mặt khác khi mới sinh, bản năng làm mẹ được khai mở, vô thức và ý thức bảo vệ con trở nên mãnh liệt vô cùng. Thời kỳ này khí, huyết cũng rất “đặc trưng” cần thời gian điều chỉnh và cần bảo đảm vệ sinh.
Trong bối cảnh như thế, mà cộng hưởng với ngày mùng một, hôm rằm, khi mà chu kỳ tâm sinh lý dao động đạt mức độ cực đại thì người thăm nên tôn trọng tính tự nhiên ấy mà khởi tâm yêu thương. Qua đó hỗ trợ một không gian lành lặn, bình yên nhất có thể cho người mới sinh.
* Từ góc nhìn tâm lý của em bé sơ sinh
Đó là chuyện người đẻ, bây giờ ta nói về bé sơ sinh: Khi trong bụng mẹ, trẻ em được cảm nhận các rung động thanh nhẹ hơn nhiều và khi ra đời, trẻ sẽ tương tác và phải thích ứng với một rung động nặng nề khác hẳn, do đó cần được trợ giúp để thích ứng.
Cũng như mẹ, em bé cần một môi trường vệ sinh an toàn cho cơ thể vật chất bé nhỏ, đặc biệt bé cần năng lượng tình yêu tỏa ra từ người tiếp xúc, và năng lượng đó thường có ở cha mẹ, ông bà và người nhân từ hiền hậu.
Trẻ mới sinh có cảm nhận tri giác vô cùng huyền diệu, các kênh tri giác mở rộng trong đó có tâm. Các trẻ “biết”, cảm nhận đầy đủ “con người thật” của khách đến thăm (trong khi chính vị khách ấy không biết sự thật về mình) tùy theo tâm thân ý của khách thăm thế nào mà trợ giúp nâng đỡ cháu bé hay xâm kích, gây tổn hại cho cháu.
Ví dụ khi tôi hoặc bạn đến thăm cháu mà trong vô thức mình có rung chấn “hận thù”, “ghen ghét” vô hình mà chính tôi và bạn không ý thức được, hay đơn giản là  “không hợp” chẳng hạn, em bé cảm nhận được ngay và sẽ thấy khó chịu, sợ hãi và có phản ứng quyết liệt thông qua khóc thét, đái dầm thậm chí ốm đau.
Thế là, khi mình về, người thân của cháu theo kinh nghiệm sẽ khắc phục bằng cách đốt lửa để giải tỏa các rung chấn năng lượng có hại tồn lưu, ông bà ta hay gọi nôm là đốt vía.
* Nhìn từ góc độ người đến thăm
Cuối cùng là vấn đề người thăm, bạn tôi cho rằng lúc nào tâm hồn mình thư thái, lòng tràn ngập yêu thương chân thành thì hãy nên đến thăm cháu, đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là chính mẹ cháu bé, gia đình cháu bé cũng yêu quý và mong muốn mình đến. Lúc này ngày rằm, mùng một cũng không sao mà có sao thì cũng có cách khắc phục.
Nhưng, nếu như mình chỉ đến thăm để xã giao, hình thức thì nên để đến ngày đầy tháng, hoặc sau ngày đó cho yên tâm, lúc này cơ thể cháu bé đã thích ứng với môi trường mới. Hay nếu sức khỏe mình không bảo đảm đến thăm dễ truyền mầm bệnh cho bé và cho mẹ bé, như vậy cũng lại càng nguy hiểm.
Đặc biệt không nên đến thăm khi bản thân mình tồn tại quan niệm rất mặc cả, rất  “làm ăn”. Ví dụ cho rằng đến thăm bà đẻ mới sinh, nhất là vào ngày mùng 1 sẽ “độc” “xúi quẩy”…. làm ăn không phát đạt. Khi mình có quan niệm ấy thì tâm rất động và có thể gây tổn thương cho bé, nhất là tổn thương thân năng lượng.
Sự khởi ý ấy cũng tạo ra các rung động rất nặng nề, khóa chặt chân tâm, dù đến thăm hay không đến thì cũng lập tức tạo ra các tổn thương sâu kín cho chính bản thân. Điều này liên quan đến luật nhân quả bạn có thể tìm hiểu thêm.
Kiến thức tự nhiên thì quá rộng lớn, và những gì chia sẻ ở đây chỉ là một khía cạnh nho nhỏ để mỗi chúng ta có nhận thức và cư xử phù hợp trong hoàn cảnh hiện có của mình.  Chúc bạn mạnh khỏe và cũng đừng quên đồng hành với tamsugiadinh trong những bài viết sắp tới nhé!
Hoàng Dương Bình
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô

Xem thêm:   Lễ cúng 49 ngày là gì? Tại sao người thân phải làm lễ 49 ngày

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *